“Đo huyết áp đúng - Kiểm soát huyết áp tốt - Sống khỏe” là chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống Tăng huyết áp 17/5 năm 2024, nhằm kêu gọi mỗi người dân trên 18 tuổi hãy tới các cơ sở y tế để được đo huyết áp, kiểm tra huyết áp nhằm phát hiện sớm, theo dõi và tư vấn kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Tăng huyết áp (THA) là căn bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất hiện nay. Tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch nguy hiểm được xem như “Kẻ giết người thầm lặng”, là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim và các bệnh tim mạch này đang là nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam, chiếm trên 35% tổng số ca tử vong toàn quốc.
Theo Thống kê của Cục Y tế Dự phòng, nước ta hiện có khoảng 17 triệu người bị THA, tức là cứ bốn người trưởng thành thì có một người mắc bệnh THA. Đặc biệt, trong 17 triệu người mắc THA ở cộng đồng thì có tới trên 50% chưa được phát hiện và trên 70% chưa được điều trị.
Một số triệu chứng có thể xảy ra ở một người bị tăng huyết áp là: đau nhức đầu vào sáng sớm; chảy máu cam; nhịp tim nhanh; thay đổi thị lực; ù tai. Tăng huyết áp nghiêm trọng hơn có thể gây ra các triệu chứng như: mệt mỏi; buồn nôn, nôn mửa; lú lẫn; hồi hộp; đau tức ngực; run.
Một số yếu tố nguy cơ của bệnh tăng huyết áp
1. Tuổi: nguy cơ tăng huyết áp tăng cùng với tuổi, nhất là ở người từ 45 tuổi trở lên.
2. Thừa cân béo phì
3. Sử dụng rượu bia, thuốc lá làm tăng huyết áp và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch do tăng huyết áp.
4. Ăn nhiều muối, ít rau quả.
5. Ít hoạt động thể lực.
6. Căng thẳng tâm lý.
7. Mắc các bệnh mạn tính như bệnh thận, đái tháo đường, …
8. Tiền sử bệnh trong gia đình: nguy cơ tăng huyết áp gia tăng nếu trong gia đình đã có người bị tăng huyết áp.
Phòng ngừa và phát hiện sớm tăng huyết áp
Chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa và phát hiện sớm tăng huyết áp bằng cách áp dụng các phương pháp sau đây:
1. Đo huyết áp thường xuyên là biện pháp đơn giản và quan trọng nhất để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp. Hãy nhớ số đo huyết áp như nhớ số tuổi của bản thân.
2. Giảm ăn muối (dưới 5g/ngày), tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ như các loại rau, củ, trái cây.
3. Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp do những thực phẩm này chứa nhiều đường, muối, chất béo bão hoà.
4. Tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi để góp phần phòng, chống thừa cân béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh không lây nhiễm khác.
Bùi Liệu - TTYT huyện Đà Bắc