Đái tháo đường không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân mà còn tạo ra gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội. Phát hiện sớm và phòng ngừa là giải pháp tốt nhất. Khám sàng lọc giúp người bệnh được phát hiện sớm các dấu hiệu ban đầu của bệnh, ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ rệt, từ đó có kế hoạch kiểm soát đường huyết, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như tim mạch, tổn thương thần kinh và suy thận. Xét nghiệm đường máu là cách duy nhất để phát hiện bệnh Đái tháo đường từ đó bệnh nhân được điều trị sớm, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Trên thế giới cứ 11 người trưởng thành có 1 người mắc đái tháo đường, trong đó 46,5% người bệnh chưa được chẩn đoán. Dự tính đến năm 2040, cứ 10 người lớn có 1 người mắc bệnh. 3/4 người mắc đái tháo đường ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Mỗi 6 giây có 1 người chết vì bệnh đái tháo đường. Chi phí y tế được sử dụng cho quản lý đái tháo đường chiếm 12% trên tổng chi phí y tế toàn cầu.
Phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ sẽ có nguy cơ sinh con mắc bệnh hoặc các biến chứng khác của đái tháo đường. Cứ 7 đứa trẻ sinh ra thì có một trẻ bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường thai kỳ và có khoảng 542.000 đứa trẻ mắc đái tháo đường tuýp 1.
Tính đến nay, 5 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có hai người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên, hơn 199 triệu phụ nữ sống với bệnh đái tháo đường và dự tính sẽ tăng lên 313 triệu người vào năm 2040. Trong đó, hai phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ thì có một người có nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường tuýp 2 thực sự trong vòng 5 – 10 năm sau sinh. Phụ nữ mắc đái tháo đường tuýp 1 tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh con mang dị tật bẩm sinh. Trong khi, phụ nữ mắc đái tháo đường tuýp 2 có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch cao hơn gần 10 lần so với người bình thường.
Theo ước tính hiện nay có khoảng 4% dân số bị đái tháo đường, trong đó 70% không biết mình mắc bệnh. Vì vậy, mỗi người dân hãy tìm đến các cơ sở y tế gần nhất để biết cách phòng ngừa đái tháo đường và nếu bị bệnh thì hãy tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Chế độ ăn uống giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường
Chọn thực phẩm giàu chất xơ và ít đường: Khuyến khích sử dụng rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, và các loại quả ít đường để ổn định đường huyết và hỗ trợ tiêu hóa.
Hạn chế thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên rán, nước ngọt chứa nhiều chất béo bão hòa và đường dễ làm tăng đường huyết.
Bổ sung protein từ nguồn thực phẩm lành mạnh như: cá, thịt gia cầm, đậu, và các loại hạt để duy trì cảm giác no lâu và ổn định đường huyết.
Chế độ luyện tập và nghỉ ngơi để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường
Duy trì luyện tập thể chất hàng ngày: Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, từ đi bộ nhanh, đạp xe đến các bài tập tăng cường thể lực để giúp cải thiện độ nhạy insulin và kiểm soát cân nặng.
Giảm căng thẳng và ngủ đủ giấc: Giấc ngủ và tinh thần lành mạnh giúp cơ thể duy trì hormone ổn định, từ đó giảm nguy cơ phát triển đái tháo đường.
Điều chỉnh thói quen lối sống: Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia để tăng cường sức khỏe tổng thể và ngăn ngừa bệnh tật.
Hãy cùng tham gia các hoạt động phòng chống bệnh đái tháo đường, tăng cường khám sàng lọc, duy trì lối sống lành mạnh để góp phần giảm nguy cơ và gánh nặng của bệnh đái tháo đường trong cộng đồng.