Bộ Y tế yêu cầu tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao. (Ảnh minh họa: TL)
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do dại trên người là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng kịp thời, nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng bệnh còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo; tỷ lệ chó, mèo nuôi được tiêm vắc xin phòng dại còn thấp, chỉ đạt khoảng 50% tổng đàn, dẫn đến gia tăng số ca bệnh dại trên động vật.
Theo báo cáo từ Cục Thú Y - Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, năm 2023 ghi nhận 347 ca bệnh dại trên động vật tại 31 tỉnh, thành phố; từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 45 ca tại 22 tỉnh, thành phố, tăng 6 ca và tăng gấp đôi số tỉnh, thành phố có dịch so với cùng kỳ năm 2023.
Trước tình hình gia tăng bệnh dại trên người và động vật tại nhiều nơi, để tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại, Trung tâm Y tế huyện Đà Bắc đề nghị các đơn vị, địa phương tăng cường công tác truyền thông phòng chống bệnh Dại tập trung một số nội dung, cụ thể:
- Truyền thông quy định chính sách của Nhà nước về phòng chống bệnh Dại; quy định về nuôi chó, trách nhiệm của người nuôi chó và quản lý chó nuôi tại cộng đồng, công tác tiêm phòng bệnh Dại.
+ Đẩy mạnh truyền thông qua các kênh phát thanh của địa phương, bảng tin công cộng tại nơi đông người như trường học, nhà văn hóa, các điểm sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của người dân
+ Tổ chức thông tin tuyên truyền lưu động, tuyên truyền vận động thông qua loa truyền thanh xã, phường, thôn, bản, các cộng tác viên, cán bộ y tế, phát miễn phí các tài liệu truyền thông (tờ rơi, pano, ...) truyền thông học đường...;tham gia phát động hưởng ứng và tổ chức mitinh Ngày "Thế giới phòng chống bệnh Dại vào ngày 28/9 hàng năm về phòng chống bệnh Dại"
+ Tham khảo tài liệu truyền thông bệnh Dại tại link google drive: https://drive.google.com/drive/folders/16ZTUchGI0A0m6iZ5db4eNntUA0QtlWAv
- Nâng cao nhận thức cộng đồng về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại và các biện pháp phòng chống bệnh Dại ở người và động vật.
- Trong các trường hợp bị chó, mèo cắn, cào gây xước sát chảy máu cần xử lý y tế ban đầu ngay sau khi bị cắn và phải đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng bệnh kịp thời.
- Không sử dụng thuốc đông y (thuốc nam, thuốc bắc) hoặc các thuốc khác không theo quy định của ngành y tế để điều trị bệnh.
- Với người nuôi chó, mèo:
+ Cần thực hiện nghiêm việc khai báo với chính quyền địa phương, tiêm phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định của cơ quan Thú y.
+ Thực hiện nuôi, nhốt, xích hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, không thả rông, nhất là ở các khu đô thị, nơi đông dân cư.
+ Khi cho chó ra đường phải dắt và đeo rọ mõm để phòng cắn người và gây tại nạn giao thông, đồng thời phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, mất vệ sinh ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh.
- Chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và xử lý ổ dịch kịp thời. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành y tế và thú y để giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bị động vật nghi dại cắn.
Được biết, thống kê trong năm 2023, cả nước đã ghi nhận 674.888 người đi tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại và không có trường hợp nào bị tử vong do bệnh dại sau khi được điều trị dự phòng.
Số người đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại trong năm tăng 45% so với năm 2022 (465.824 người). Miền Nam là khu vực có số người đi tiêm vắc xin phòng dại cao nhất trên cả nước cao nhất, chiếm 65,3%. 2 tháng đầu năm 2024, số người phải điều trị dự phòng bệnh dại lên tới gần 70.000 người, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính đến ngày 26/3/2024, Trung tâm Y tế Đà Bắc tổng hợp trên địa bàn huyện đã có 41 người đến tiêm phòng vắc xin phòng Dại do chó, mèo cắn.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn